Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn luật sư TP Hà Nội, với 6 chương, 64 điều, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng đã quy định khá đầy đủ về trình tự, thủ tục cũng như các biện pháp phòng chống khi có dịch bệnh xảy ra. Luật này đã đáp ứng cơ bản yêu cầu cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng về mọi mặt trong đời sống xã hội, sự bùng nổ của CNTT và việc toàn cầu hóa đã đặt ra nhiều vấn đề mới trong xã hội hiện nay. Để đáp ứng kịp thời, hiệu quả, chúng ta cần phải sửa luật. Tới đây, sau khi kết thúc dịch, việc sửa luật cần được đặt ra nhanh chóng.
PV: Các quy định của luật trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, ông thấy có vấn đề gì cần phải sửa đổi?
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Để sửa luật có hiệu quả, cần có sự tổng kết, đánh giá những tồn tại, vướng mắc, những vấn đề mới phát sinh trong thời điểm vừa qua. Trước mắt, theo tôi những lỗ hổng pháp lý để xử lý dịch bệnh hiện nay chúng ta đã bịt được thông qua Nghị định 15 của Chính phủ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTT, vô tuyến điện.
Cùng với đó, TANDTC đã kịp thời ban hành công văn số 45 hướng dẫn tòa án các cấp xét xử các tội danh liên quan đến Covid-19 để làm rõ những nội dung mà pháp luật còn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, về tổng thể, cần phải sửa luật để giải quyết được căn cơ mọi vấn đề mới phát sinh và để có được một bộ luật hoàn thiện, sau này nếu dịch bệnh xảy ra chúng ta sẽ không còn lúng túng.
Theo tôi, trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện nay có một số vấn đề khi sửa luật cần nghiên cứu.
Thứ nhất là đối tượng điều chỉnh. Luật quy định đối tượng điều chỉnh là công dân Việt Nam, tổ chức, cá nhân người nước ngoài ở Việt Nam. Nhưng sau khi dịch bệnh này xảy ra, chúng ta thấy rằng không chỉ công dân Việt Nam ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức ngoại giao, các tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài cũng cần được bảo vệ.
Thứ hai là hợp tác quốc tế. Trong luật có đề cập đến nhưng còn chung chung, chưa rõ ràng. Sau khi dịch xảy ra, có thể thấy việc phối hợp ngăn chặn dịch bệnh giữa các quốc gia; việc trao đổi thông tin về phòng chống dịch bệnh; vấn đề nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam, người Việt Nam ra nước ngoài có nhiều vấn đề cần phải làm rõ trong hợp tác quốc tế phòng chống dịch bệnh.
Thứ ba là việc cách ly. Trong luật đã có khái niệm cách ly, nhưng đôi khi chỉ cách ly người có biểu hiện, nghi ngờ có dịch bệnh trong khi dịch bệnh phát sinh thì cũng có người không có biểu hiện, nghi ngờ và họ cũng không về từ vùng có dịch nhưng họ vẫn bị cách ly và phải chấp nhận cách ly. Đây cũng là vấn đề mới cần đặt ra khi sửa luật.
Thứ tư là vấn đề tung tin giả mạo trên mạng xã hội. Trước đây hành lang pháp lý chỉ cho phép xử lý việc tung tin giả mạo, chứ trên mạng xã hội chưa có. Vấn đề này cũng nên đưa thêm vào.
Đặc biệt là các biện pháp phòng chống dịch bệnh như lây lan, cấm kinh doanh, cấm đi lại, về thẩm quyền cần được làm rõ.
Vấn đề cuối cùng, Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 15, 16, chúng ta cần phải đưa ra biện pháp chưa đến mức công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhưngcũng phải có biện pháp mạnh hơn như hiện tại thì mới đảm bảo phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.
PV: Ông vừa nói đến Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, có nhiều địa phương có cách hiểu khác nhau và thực hiện khác nhau. Để khắc phục tình trạng này cần đặt ra yêu cầu cụ thể như thế nào về thẩm quyền của các địa phương khi sửa đổi Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm?
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Nhiều địa phương có cách hiểu khác nhau và thực hiện khác nhau sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 15, 16 theo tôi là rất đáng tiếc.
Đầu tiên chúng ta phải hiểu được bản chất của vấn đề, đó là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi ban hành Chỉ thị 16, chưa muốn đề xuất lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban bố tình trạng khẩn cấp vì không muốn cuộc sống của người dân cùng nhiều vấn đề khác dễ bị xáo trộn nên mới ban hành Chỉ thị này để các địa phương hướng dẫn các biện pháp phòng dịch hiệu quả. Cùng với đó tăng tính cảnh giác, chống lơ là chủ quan.
Sau khi ban hành Chỉ thị 15, 16, Chính phủ cũng ban hành văn bản hướng dẫn nhưng rất tiếc việc áp dụng ở một số địa phương cho thấy có sự vội vàng trong áp dụng các biện pháp phòng dịch dẫn đến việc gây khó khăn cho người dân.
Theo tôi, luật cần xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, người đứng đầu các cấp chính quyền. Chúng ta có Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp quốc gia, rồi ở cấp tỉnh, huyện, xã thì phải phân định rõ cấp nào áp dụng biện pháp gì và được làm những việc gì, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý; đồng thời để người dân hiểu và dễ dàng thực hiện, tránh được việc áp dụng pháp luật tùy tiện, thậm chí lạm quyền.
Quy định về thẩm quyền, chức năng của các cấp chính quyền địa phương đã tương đối rõ ràng trong luật nhưng vấn đề chúng ta cần phải cải thiện nhất đó là nhận thức về pháp luật, hạn chế tình trạng nhiều chính quyền địa phương lạm quyền, khi ban hành văn bản không hiểu.
Sau khi Chỉ thị của Thủ tướng được ban hành, nhiều địa phương cũng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi họ chỉ cần ban hành văn bản hay công văn, công văn là hướng dẫn về thông tin chứ không thể là quy phạm pháp luật thì không có nghĩa vụ phải áp dụng cho các địa phương đó, không có tính quy phạm trong văn bản.
Theo tôi, một vấn đề lớn nữa cũng cần đặt ra đó là cần quy định các biện pháp trao đổi thông tin phối hợp giữa chính quyền địa phương và chính phủ cũng như các bộ ngành; giữa các Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia với Ban chỉ đạo chống dịch các địa phương để tránh xảy ra tình trạng khi triển khai các biện pháp hay chỉ thị từ trung ương xuống thì các địa phương áp dụng thiếu đồng bộ, không thống nhất dẫn đến cách hiểu sai lầm.
Quan trọng nhất là áp dụng thông tin rõ ràng văn phòng chính phủ có ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh nhưng nếu chính quyền địa phương chủ động hỏi hoặc gọi trực tiếp thì sẽ không xảy ra tình trạng áp dụng mỗi nơi một kiểu.
PV: Những hành vi như cố ý lây lan, hay là tác nhân gây bệnh, che giấu, không khai báo, cố ý khai báo sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, hay bỏ trốn khỏi khu vực cách ly là những hành vi nguy hiểm, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, được luật quy định hình thức xử phạt như thế nào, có cần sửa luật phòng chống bệnh truyền nhiễm để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa hay không?
Luật sư Nguyễn Danh Huế: Các hành vi cố y lan truyền bệnh cho người khác, hành vi trốn khai báo hoặc trốn cách ly, lây truyền bệnh cho người khác, hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 BLHS năm 2015, mức xử phạt cao nhất có thể bị phạt tù tới 12 năm, mức phạt từ 50-100 triệu.
Theo đó, người nào thực hiện một trong những hành vi như làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người bị phạt tiền từ 50-200 triệu hoặc phạt từ 1-5 năm tù; người vi phạm sẽ bị phạt tù đến 10 năm nếu dẫn đến tình trạng phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc của Bộ trưởng Bộ Y tế; làm chết người, hành vi phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng (thì sẽ công bố dịch trên toàn quốc) hoặc làm chết 2 người trở lên thì bị phạt từ 10-20 năm tù.
Đối với những trường hợp người chưa xác định là mắc Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, phong tỏa nếu trốn khỏi khu vực bị cách ly, phong tỏa hoặc không tuân thủ các quy định về cách ly, từ chối, trốn tránh áp dụng các biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly hoặc không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ, gian dối gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh kinh phí dự phòng chống dịch bệnh đã bị xử lý về tội phạm quy định về an toàn ở nơi đông người quy định tại Điều 295 BLHS, mức xử phạt cao nhất là 12 năm tù.
Tội danh này không nhất thiết phải lây bệnh cho người khác mà chỉ cần bỏ trốn, không chấp hành các biện pháp cách ly mà gây ra tốn kém chi phí cho cơ quan nhà nước (phải truy tìm, xác định ở đâu, tốn kém lên tới 100 triệu) là có thể bị xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, các hành vi chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo Điều 10 Nghị định 176 năm 2003 của Chính phủ, mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly, cưỡng chế cách ly của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh việc phạt tiền bị buộc phải thực hiện cách ly y tế, thậm chí bị cưỡng chế cách ly y tế khi có triệu chứng hoặc nhiễm bệnh, trở về từ vùng dịch.
Pháp luật hiện tại của ta cũng khá đầy đủ, nghiêm minh, ở mọi lĩnh vực. Tất nhiên sau trận dịch lần này cũng thấy rằng điều 240 BLHS có một ý chưa rõ ràng đó là các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Nội dung này đã được Tòa án Nhân dân tối cao làm rõ trong công văn 45.
Ngoài ra, cũng cần tăng cường mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người trốn tránh cách ly bởi mức phạt 5-10 triệu đồng là quá thấp.
PV: Xin cảm ơn luật sư./.
Hình thành và phát triển với mục tiêu xây dựng một tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý toàn diện uy tín, là đối tác tin cậy của khác hàng trong và ngoài nước
024.35353005