Để tội phạm trốn thoát ngay trước giờ xét xử, ai chịu trách nhiệm?

Để tội phạm trốn thoát ngay trước giờ xét xử, ai chịu trách nhiệm?

Vào lúc 0h38 ngày 21/6, từ nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã bắt giữ Nguyễn Văn Trung (SN 1983; ở tổ 7 phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) khi đối tượng đang lẩn trốn ngay gần nhà tổ 7 phường La Khê, quận Hà Đông.

Sự việc bị cáo Nguyễn Văn Trung bỏ trốn khỏi phiên tòa đã gây ra sự hoang mang, lo lắng cho nhiều người những ngày qua bởi đây là một đối tượng nguy hiểm, có hai tiền án, một tiền sự. Gần đây nhất, tháng 11/2019, Trung bị Công an quận Hà Đông bắt về hành vi "trộm cắp tài sản", đang cho tại ngoại thì lại gây ra vụ án "tàng trữ, sử dụng trái phép súng quân dụng", "đe dọa giết người" khi dùng báng súng đánh bạn gái đến thương tật. Trong lúc Tòa chuẩn bị xét xử, đối tượng đã bỏ trốn.

Hiện cơ quan chức năng chưa đưa ra thông tin về việc xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân để Nguyễn Văn Trung bỏ trốn khỏi toà khi đang bị áp giải. Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, để xảy ra sự việc bị can trốn khỏi phiên tòa thuộc trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp. 

Trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Toại cho biết, theo quy định của Bộ Công an về quy trình Bắt, áp giải bị can, bị cáo, người có quyết định thi hành án phạt tù, dẫn giải người làm chứng của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thì trước khi thực hiện việc áp giải bị cáo lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp phải xây dựng kế hoạch và lập phương án áp giải bị cáo.

Trong đó, đối với yêu cầu áp giải bị can, bị cáo, người bị kết án đang bị giam giữ, phải thông qua ban Giám thị Trại tạm giam nơi giam giữ để nắm diễn biến tâm lý, tư tưởng, thái độ và khả năng chống đối của đối tượng để có phương án xử lý. 

Đồng thời, quy định này cũng yêu cầu phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng tham gia, công cụ hỗ trợ, kinh phí và các điều kiện đảm bảo cho các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Trong nội dung kế hoạch cũng yêu cầu dự kiến tình huống xấu có thể xảy ra trong quá trình triển khai kế hoạch và xây dựng phương án xử lý an toàn, hiệu quả, trình tự và biện pháp tiến hành áp giải bị cáo.

Để xảy ra sự việc bị can trốn khỏi phiên tòa thuộc trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp. Trách nhiệm của các cá nhân có liên quan đến đâu sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ trong thời gian tới. 

Theo quy định của pháp luật thì cán bộ, chiến sĩ áp giải bị cáo nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguồn: danviet.vn

ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

Hình thành và phát triển với mục tiêu xây dựng một tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý toàn diện uy tín, là đối tác tin cậy của khác hàng trong và ngoài nước

024.35353005