TRỐN CÁCH LY Y TẾ SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

TRỐN CÁCH LY Y TẾ SẼ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

     Cách ly y tế nhằm hạn chế sự lây nhiễm chéo, hạn chế sự phát tán của virus trong cộng đồng, từ đó giảm số ca nhiễm mới và giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.

     Việc cách ly y tế quan trọng và cần thiết như vậy nhưng vẫn có người bỏ trốn hoặc không thực hiện nghiêm túc việc cách ly theo quy định đe dọa đến sự an toàn của toàn xã hội. Vậy hậu quả pháp lý của nó sẽ như thế nào?

Việc trốn cách ly sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau:

Điều 11. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

c) Cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

       Như vậy, người nào có hành vi trốn tránh cách ly y tế thì sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng - 20.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm. Ngoài ra, người trốn cách ly còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 1 và các điểm a, b khoản 2 Điều này.

      Ngoài ra, tùy vào mức độ gây nguy hiểm của hành vi trốn cách ly y tế mà cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị xử lí hình sự. Nếu người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh đã được cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly gây lây truyền dịch bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể như sau:

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Như vậy, hành vi trốn cách ly làm lây lan dịch bệnh có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 12 năm.

Trên đây là các quy định cụ thể của pháp luật về vấn đề trốn cách ly y tế và các mức xử phạt, hình phạt có thể áp dụng đối với trường hợp này. Hi vọng rằng mọi người sẽ nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng như cộng đồng.

ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

Hình thành và phát triển với mục tiêu xây dựng một tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý toàn diện uy tín, là đối tác tin cậy của khác hàng trong và ngoài nước

024.35353005