VÌ SAO PHẢI THANH TRA XUẤT KHẨU GẠO - Đẩy doanh nghiệp vào HÊN - XUI

VÌ SAO PHẢI THANH TRA XUẤT KHẨU GẠO - Đẩy doanh nghiệp vào HÊN - XUI

Trước khi ban hành mỗi chính sách, việc đánh giá tác động của chính sách đối với xã hội và các nhóm chủ thể là rất quan trọng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể và giúp chính sách được thực thi có hiệu quả. Rất dễ để nhận thấy sự lúng túng từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh cần đưa ra các chính sách nhanh và hợp lý liên quan đến việc điều hành xuất khẩu gạo trong những tình thế cấp bách. Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân cũng như các giải pháp để khắc phục những bất cập trong chính sách sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy thị trường xuất khẩu gạo phát triển bền vững.

Thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về lúa gạo.

Để ban hành một chính sách đúng đắn thì phải dựa trên một cơ sở dữ liệu chuẩn xác. Vì thế, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của bất cứ ngành nghề nào cũng hết sức quan trọng. Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương vẫn cần thời gian “đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế của các doanh nghiệp” đã chứng tỏ, công tác xây dựng và quản lý dữ liệu quốc gia về lúa gạo chưa được coi trọng và đánh giá đúng mức, sự phối hợp giữa các Bộ ngành liên quan với UBND các tỉnh về vấn đề cân đối nguồn thóc, gạo còn rất hạn chế. Điều 11 Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định về cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu quy định:

“1. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện cân đối nhu cầu tiêu dùng thóc, gạo trong nước, công bố vào quý IV hàng năm nguồn thóc, gạo hàng hóa có thể xuất khẩu trong năm kế hoạch tiếp theo; cập nhật và thông báo với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam về tình hình sản xuất, sản lượng, nguồn thóc, gạo hàng hóa có thể xuất khẩu theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm. Việc điều hành xuất khẩu gạo thực hiện trên cơ sở nguồn thóc, gạo hàng hóa được cân đối cho xuất khẩu hàng năm theo quy định tại khoản 1 Điều này".

Như vậy, cơ sở pháp lý cho việc xây dựng dữ liệu về lúa gạo đã rất rõ ràng, trách nhiệm của cac Bộ, ngành đã rất cụ thể nhưng trên thực tế việc thực thi vẫn thiếu sự quan tâm dẫn đến sự lúng túng hoặc đưa ra những chính sách thiếu chuẩn xác. Sản lượng lúa gạo hoàn toàn có thể tính toán được một cách tương đối bằng cách nhân diện tích trồng lúa với sản lượng quy đổi trên mỗi héc ta, cộng với sản lượng gạo nhập khẩu và trừ đi sản lượng tiêu thụ nội địa và sản lượng xuất khẩu, với cách tính này đã có thể có dữ liệu để ban hành một chính sách khá sát với thực tế, mặt khác, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lúa gạo là rất dễ dàng và thuận tiện. Để cải thiện vấn đề này, trước hết cần gánh trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan hữu quan, xây dựng cơ chế phối hợp liên hành chi tiết và đặc biệt, xây dựng nền tảng cũng như cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia. Đây là đòi hỏi rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thiếu đánh giá tác động chính sách.

Trước khi ban hành mỗi chính sách, việc đánh giá tác động của chính sách đối với xã hội và các nhóm chủ thể là rất quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể cũng như giúp cho chính sách được thực thi có hiệu quả.

Việc Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chính phủ thay đổi chính sách với lý do “Sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp” và “đánh giá lại lượng hợp đồng  đã ký và tồn kho thực tế của các doanh nghiệp” cho thấy công tác đánh giá tác động của chính sách đối với doanh nghiệp chưa được quan tâm, dừng xuất khẩu gạo trong khi chưa thống kê các hợp đồng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký kết với các đối tác nước ngoài có thể đẩy doanh nghiệp vào những tổn thất rất lớn khi phải đối mặt với việc phạt vi phạm hợp đồng thậm chí là bồi thường thiệt hại, đó là chưa kể đến các chi phí thuê kho bãi, chi phí trả lãi vay ngân hàng khi thu mua gạo để xuất khẩu, điều này cũng có thể làm giảm uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam trong giao kết quốc tế.

Việc bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh là rất cần thiết nhưng rõ ràng, bắt một số ít chủ thể phải hy sinh quyền lợi và gánh chịu rủi ro vì mục tiêu chung không phải là giải pháp hợp lý. Vì thế để nâng cao chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh cũng như hài hòa lợi ích nhà nước và lợi ích của các doanh nghiệp, khi ban hành một chính sách, rât cần chú trọng đến việc đánh giá tác động của chính sách để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp.

Chưa có bộ đánh giá xếp loại tín nhiệm doanh nghiệp.

Sự việc Tổng cục Hải quan mở tờ khai lúc 0h ngày 12/4/2020 khiến cho chỉ 39/257 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trong khi nhu cầu đang rất lớn đã gây ra nhiều dấu hỏi lớn. Mặc dù sự việc được Tổng cục Hải quan khẳng định hoàn toàn khách quan vì đây là hệ thống điện tử, doanh nghiệp thực hiện khai và nộp tờ khai điện tử 24/7, mọi lúc, mọi nơi. Cho dù không có “lợi ích nhóm” thì rõ ràng đây vẫn là cách làm thiếu thuyết phục và mang tính “hên - xui” cho doanh nghiệp chứ không dựa trên bất kỳ tiêu chuẩn nào.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam thì việc xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp có năng lực, có uy tín và trách nhiệm là hết sức cần thiết. Với 257 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, rõ ràng việc đưa ra các tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp dựa trên việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các tiêu chí khác để phát triển thị trường (ví dụ như cộng điểm cho các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bán gạo giá cao, có hệ thống quản lý thông tin thị trường…) là rất cần thiết.

Việc đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp gắn liền với các lợi ích của doanh nghiệp như ưu đãi về hạn ngạch xuất khẩu, ưu đãi khi tham gia đấu thầu sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao năng lực, phát triển bền vững qua đó giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững và ổn định. Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu giá công khai hạn ngạch xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tăng cao cũng là một giải pháp đem đến sự công bằng trong khi ngân sách nhà nước lại có thêm nguồn thu. Nếu giao cho Bộ Công Thương hay Hiệp hội Lương thực phân bổ hạn ngạch thì vẫn dễ xảy ra tiêu cực bởi cơ chế “xin – cho” và đây không phải là giải pháp căn cơ.

Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, việc sản xuất lúa gạo bảo đảm công ăn việc làm cho hàng chục triệu người ở khu vực nông thôn không những góp phần phát triển kinh tế mà còn giữ ổn định xã hội. Việc hoàn thiện và minh bạch chính sách, phát triển những doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo có năng lực và uy tín không những đảm bảo được vấn đề an ninh lượng thực quốc gia mà còn nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế, qua đó cải thiện đời sống nhân dân, góp phần phát triển đất nước.

 

ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

Hình thành và phát triển với mục tiêu xây dựng một tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý toàn diện uy tín, là đối tác tin cậy của khác hàng trong và ngoài nước

024.35353005