Vụ án “Trộm cắp tài sản” tại Đình làng T.M

Vụ án “Trộm cắp tài sản” tại Đình làng T.M

Vụ án “Trộm cắp tài sản” tại Đình làng T.M tại xã TĐ, TP.H. Đình làng T.M bị mất cắp 02 thanh kèo bằng gỗ sưa.

Tại kết luận định giá số 146 ngày 30/9/2016 của Hội đồng định giá tài sản thì 02 khúc gỗ sưa đỏ có kích thước dài khoảng 2,5m; dày 10cm; rộng 20cm có giá trị 270 triệu đồng. Với tư cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự là nhân dân thôn T.M, xã T.Đ, TP.H, các Luật sư của Công ty Luật Hừng Đông đã phát hiện điểm bất thường, có dấu hiệu vi phạm bao che, bỏ lọt tội phạm, việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, làm sai lệch hồ sơ vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng.

  1. Về thời gian xảy ra hành vi trộm cắp tài sản

     Bản kết luận điều tra vụ án số 221/KLĐT  ngày 19/6/2017 và Bản kết luận điều tra bổ sung vụ án ngày 19/12/2017 của cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố H đều khẳng định: “Khoảng 23 giờ ngày 19/07/2016, N gọi điện cho T rủ đi trộm cắp tài sản (gỗ sưa) tại xã TĐ, TP.H. T đồng ý và cùng N thuê taxi (tài xế là anh Th chở đến Đình Làng T.M. Đến nơi, T và N xách túi bên trong có công cụ gồm kìm, xà cày, đục, đèn pin… trèo qua bờ tường vào trong vườn của Đình. Tài xế taxi đứng chờ ở ngoài. T đứng cảnh giới còn N đi lấy 01 chiếc thang ở trong Đình trèo lên mái nhà gian hậu cung dùng xà cầy cậy 02 thanh gỗ ván chắn ở trên nóc nhà đột nhập vào bên trong hậu cung và mở cửa ngách cho T đi vào. Tại gian hậu cung của Đình T.M, T và N lấy xà cầy cậy phá ấy 02 thanh gỗ sưa có kích thước dài 2,5m; dày 10cm; rộng 20cm trên mái và vận chuyển ra ngoài đường gọi điện cho Th đến đón mang về nhà N cất giấu. Sau đó, T và 1 người tên D dùng xe máy vận chuyển 02 khúc gỗ sưa về khu lều nuôi vịt của D cất giấu và tìm người đến mua gỗ. Sau đó, đã bán được 02 khúc gỗ sưa với giá 330 triệu đồng và chia nhau số tiền này.

     Theo lời khai của  bị cáo T và N đều khẳng định thực hiện hành vi trộm cắp này vào 23h ngày 19/7/2016 (BL 107,110,120,126,370). Và anh Th – tài xế taxi cũng khai khoảng 21h ngày 19/7/2016, anh chở 2 người này đến Đình T.M

Tuy nhiên theo BL 417, theo báo cáo sự việc của Công an xã TĐ thì 06h ngày 19/7/2016 nhận được điện báo về việc Đình làng T.M bị kẻ gian cậy mái vào đình trộm 02 thanh kèo bằng gỗ sưa.

Lời khai của ông L.M.Đ – thủ từ của Đình (BL 430) tại cơ quan cảnh sát điều tra khẳng định ông phát hiện mất 02 khúc gỗ sưa vào khoảng 05h sáng ngày 19/7/2016

Người dân ở thôn T.M phát hiện mất gỗ sưa vào sáng sớm 19/7/2016. Vậy cuối cùng thì thời điểm xảy ra hành vi trộm cắp là thời gian nào? Đây cũng là điểm mâu thuẫn rất lớn của vụ việc. Gỗ sưa bị báo mất vào sáng  sớm ngày 19/7/2016 nhưng đêm 23h ngày 19/7/2016 các bị cáo lại thực hiện hành vi trộm cắp?

  1. Về vấn đề thu thập và bảo quản vật chứng

     Vật dụng kẻ gian để lại tại hiện trường 01 thang tre dài khoảng 3,5m; 04 ống tuýp sắt phi 43 dài từ 02-03m (đều bị cong, vênh), tất cả vật dụng đều là đồ của Đình T.M. 04 ống tuýp này trước hôm có vụ trộm xảy ra đều ở trạng thái bình thường, với lực tác động để cạy thanh vì kèo thì không thể làm cong các ống tuýp sắt này được mà đã có người khác trong Đình – đồng phạm đã cố tình làm cong, vênh ống tuýp từ trước để phục vụ cho việc trộm cắp, dùng để cạy 02 khúc gỗ sưa được dùng làm thanh vì kèo cho mái đình.

     04 ống tuýp sắt này là vật chứng quan trọng của vụ án nhưng cơ quan cảnh sát điều tra đã không thực hiện việc thu thập và bảo quản chứng cứ theo quy định tại Điều 75 Bộ luật TTHS. Ông H (trưởng ban tín ngưỡng thôn T.M) đã gửi đơn cho Công an xã T.Đ đề nghị làm rõ việc bảo quản và bàn giao vật chứng là 04 thanh tuýp sắt này thì nhận được văn bản số 01/CV. Tại văn bản này Công an xã T.Đ xác nhận Công an huyện không có biên bản giao nhận 04 thanh tuýp sắt là vật chứng vụ án cho Công an xã.

  1. Liệu có đồng phạm ở trong Đình T.M hay không?

    Ông L.M.Đ là người trông coi đình 24/24. Hậu cung trong đình được khóa kín, không phải ai cũng có thể vào trong, người muốn vào Hậu cung phải mở khóa cửa mới có thể vào được. Ông Đ là người giao nhiệm vụ trông Đình và giữ chìa khóa các cửa của Đình làng. Theo lời khai của ông Đ thì chỉ ông là người duy nhất đi vào hậu cung ngày 18/7/2016.

Trong số các kèo đỡ có cả gỗ thường và gỗ sưa, nếu chỉ nghe nói thì không thể biết chính xác được thanh nào là gỗ thường, thanh nào là gỗ sưa. Thế nhưng tại BL 426 ông Đ khai “thấy mất 2 thanh kèo bằng gỗ sưa”

Theo BL 663-664 bị can T khi được hỏi việc trộm cắp do ai khởi xướng thì trả lời do anh N khởi xướng và đã tìm hiểu từ trước. Liệu có hay không sự tiếp tay của người từ bên trong Đình làng? Nếu không có sự chỉ dẫn thì liệu 2 bị cáo T và N có thể xác định được vị trí có gỗ sưa, thanh kèo nào là gỗ sưa hay gỗ thường trong thời điểm đêm tối chỉ bằng ánh đèn pin như vậy.

  1. Các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.

-  Khi chưa xác định được chính xác thời gian thực hiện hành vi phạm tội đã ban hành kết luận điều tra, cáo trạng truy tố, Hội đồng xét xử cấp Sơ thẩm đã xét xử và ban hành bản án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân thôn T.M, xã T.Đ, TP.H. Theo Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSTC-BCA-TATC ngày 27/8/2010, tại điểm b, khoản 2 Điều 1 thì:

Thiếu chứng cứ sau đây là trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án:

b) Chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào;

Theo quy định chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội xảy ra vào thời gian nào là chứng cứ quan trọng đối với vụ án.  Việc chưa xác định chính xác thời gian thực hiện hành vi phạm tội là thiếu chứng cứ quan trọng.

- Cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện đúng quy định về thu thập và bảo quản vật chứng (Điều 75 Bộ luật TTHS) dẫn đến xác định sai sự thật khách quan gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của nhân dân thôn T.M

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử chưa làm rõ được vì sao các bị cáo biết được Đình làng T.M có gỗ sưa. Các bị cáo đều cách Đình làng trên 60km? Thời điểm nhân dân thôn T.M phát hiện mất cắp và thời điểm cơ quan tố tụng xác định các bị cáo thực hiện hành vi trộm cắp là điều mâu thuẫn và phi lý. Do đó, cần phải chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại để làm rõ, xác minh, tránh gây bất bình và bức xúc cho nhân dân làng T.M bởi Đình làng T.M là 1 biểu tượng văn hóa, tâm linh của dân làng.

Để làm rõ những điểm bất thường của vụ án, Công ty Luật Hừng Đông đã cử Luật sư Nguyễn Hữu Toại và Luật sư Nguyễn Danh Huế tham gia phiên tòa phúc thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích cho nhân dân thôn T.M, xã T.Đ, TP.H.

Với kinh nghiệm chuyên môn dày dặn của các Luật sư Công ty Luật Hừng Đông trong nhiều lĩnh vực, chúng tôi tự hào là một trong những công ty luật uy tín số 1  Việt Nam. Để được tư vấn hoặc hỗ trợ các vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 024.35353005 hoặc qua địa chỉ email: luathungdong@gmail.com

Rất mong được hỗ trợ và hợp tác cùng Quý khách!

Xin trân trọng cảm ơn!

ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

Hình thành và phát triển với mục tiêu xây dựng một tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý toàn diện uy tín, là đối tác tin cậy của khác hàng trong và ngoài nước

024.35353005